JETP
Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là quan hệ đối tác lâu dài, tham vọng để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi các-bon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và phi các-bon hóa hệ thống điện, đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0”
Theo Tuyên bố chính trị JETP:
“IPG sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 03 đến 05 năm tới bằng sự kết hợp các công cụ tài chính thích hợp, không chuyển hướng hỗ trợ phát triển quan trọng khỏi các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam nhưng vẫn trong khung nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. IPG sẽ tích cực hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để huy động 7,75 tỷ USD tài chính khu vực công với các điều khoản hấp dẫn hơn các khoản vay Việt Nam có thể huy động trên thị trường vốn hiện tại. Nhóm công tác GFANZ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và IPG để huy động và hỗ trợ huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân, tùy thuộc vào khả năng huy động nguồn tài chính công xúc tác của các quốc gia thành viên IPG.”
Các mục tiêu của JETP trong Tuyên bố chính trị, bao gồm:
“Đẩy nhanh quá trình phi các-bon hóa trong hệ thống điện của Việt Nam để giảm từ mức đỉnh phát thải 240 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) vào năm 2035 theo kế hoạch phát thải ròng bằng “0” hiện nay với sự hỗ trợ quốc tế (giảm xuống từ mức 280 triệu tấn CO2tđ trước COP26) tiến tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn CO2tđ của ngành điện vào năm 2030 với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các thành viên IPG trong lĩnh vực tài chính và tất cả các công nghệ nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và quản lý các hệ thống năng lượng sạch.
Giảm danh mục các dự án phát triển điện than của Việt Nam, tiến tới đỉnh 30,2GW, cũng như xây dựng một lộ trình giảm phát thải tham vọng để loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than không sử dụng biện pháp giảm phát thải.
Đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và phát triển năng lực chuyên môn hỗ trợ và quản lý lưới điện trong đó thành phần năng lượng tái tạo ngày một tăng, với mục tiêu giúp Việt Nam duy trì một lưới điện đáng tin cậy và đẩy mạnh sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời và thủy điện trong năm 2030 từ 36% (theo kế hoạch hiện tại) tiến tới ít nhất 47%, với sự hỗ trợ của quốc tế.”